Số cặp vợ chồng thành thị không được toại nguyện khi muốn sinh thêm con đang ngày một tăng. Phần “lỗi” là ngang nhau ở cả nam và nữ.
Nhiều người cho rằng, nếu đã có một con nghĩa là khả năng sinh sản của họ bình thường, sẽ không có vấn đề gì khi muốn sinh con tiếp theo. Tuy nhiên, trên thực tế, các cặp vợ chồng từng có con vẫn có thể bị vô sinh thứ phát.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, trung bình mỗi năm, cơ sở này tiếp nhận khoảng 5.000 cặp vợ chồng đến điều trị vô sinh, trong đó, có khoảng 1.500 – 2.000 cặp phải thụ tinh trong ống nghiệm. Các điều tra trước đây cho thấy tỷ lệ vô sinh trong độ tuổi sinh đẻ của Việt Nam là 13% – 15% gồm cả vô sinh nguyên phát và thứ phát. Tuy nhiên, từ thực tế tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và phản ánh của nhiều chuyên gia sản khoa, tỷ lệ này đang tăng. Tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, tương quan vô sinh thứ phát giữa nam giới và nữ giới là 50/50.
Tại thành phố, tỷ lệ vô sinh thứ phát hiện cao hơn so với vùng nông thôn. Ngoài nguyên nhân môi trường sống khác nhau (môi trường ở thành phố ô nhiễm hơn, áp lực công việc nặng hơn), một nguyên nhân quan trọng nữa là cách sống ở thành phố khác biệt so với nông thôn.
Tại thành thị, người dân thường có xu hướng xây dựng gia đình muộn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ vô sinh có chiều hướng tăng. Theo bác sĩ Tiến, ở độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là từ 35 đến 40 tuổi, khả năng sinh sản của cả nam và nữ giảm đi đáng kể, làm cho các cặp vợ chồng khó thụ thai tự nhiên. Đối với phụ nữ, chức năng buồng trứng giảm rõ rệt sau tuổi 35, thể hiện ở việc tần số phóng noãn tự nhiên, khả năng thụ tinh, khả năng làm tổ của phôi giảm đi.
Bên cạnh đó, tâm lý “ngại đẻ”, khoảng cách giữa hai lần mang thai quá xa ở rất nhiều cặp vợ chồng thành thị cũng làm gia tăng các ca vô sinh thứ phát. Nhiều cặp vợ chồng đến 35 – 40 tuổi, đứa con đầu đã được 10 tuổi khi mới muốn sinh con thứ hai. Lúc này, việc thụ thai rất khó khăn và thường phải nhờ đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Bác sĩ Tiến giải thích, thời gian giữa hai lần đẻ càng lâu (từ 8 đến 10 năm) thì khả năng sinh sản của người mẹ cũng như chất lượng trứng càng giảm, khả năng làm tổ của phôi thai cũng kém, nguy cơ sẩy thai cao. Trường hợp của anh K., 40 tuổi, đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương “cầu cứu” bác sĩ, là một ví dụ. Anh đã có một con trai nên không mặn mà sinh tiếp, gần đây muốn có thêm đứa thứ hai nhưng cứ mỗi lần có thai là vợ anh lại bị sẩ̉y.
Bị viêm nhiễm do nạo hút thai, nhất là ở những cơ sở y tế không đáng tin cậy… cũng dẫn đến vô sinh thứ phát cho nữ giới. Ở thành thị, độ tuổi có quan hệ tình dục thường sớm hơn, việc nạo phá thai không an toàn cũng xảy ra phổ biến hơn, dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm cao hơn. Nguy cơ vô sinh thứ phát ở nữ giới đã có tiền căn nạo, hút thai cao gấp 5 lần so với người không sử dụng các thủ thuật này. Đặc biệt, đại đa số ca viêm nhiễm bộ phận sinh dục ở nữ đều là do nạo hút thai hoặc vệ sinh không đúng cách. Một ví dụ là Ngọc N., mới 22 tuổi nhưng đã bị vô sinh thứ phát. Cô đã đi hút thai một lần khi có bầu ngoài ý muốn, và phải điều trị viêm nhiễm phụ khoa. Sau đó, khi muốn có con, cô lại có thai ngoài tử cung, phải mổ cắt một bên vòi trứng.
Theo bác sĩ Tiến, để tránh tình trạng vô sinh thứ phát, ngoài việc cân nhắc về tuổi tác của mẹ, các cặp vợ chồng không nên kéo dài khoảng cách giữa hai lần sinh con. Thời gian lý tưởng nhất là 3 – 5 năm. Đặc biệt, chị em cần chú trọng vệ sinh đúng cách, đến cơ sở y tế thăm khám và tư vấn điều trị khi có biểu hiện viêm nhiễm phụ khoa. Với nam giới, việc nghiện rượu và thuốc lá, ít vận động, mặc quần bó sát… cũng ảnh hưởng đến
(Theo Đất Việt)