I. Đại cương
U nang buồng trứng là một khối phát triển bất thường trên buồng trứng.
U nang buồng trứng là bệnh khá phổ biến ở phái nữ (80%), nhất là trong độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Nguy cơ cao ở những người: chức năng của tuyến giáp bị giảm, nội tiết bị phá hủy, các nang trứng đã chín vì lí do gì đó mà bị tiêu hủy, có kinh sớm hơn bình thường, đã từng bị sẩy thai, có lịch sử gia đình có người bị u nang buồng trứng, có chu kì kinh nguyệt không đều, thừa cân, béo phì,…
U nang buồng trứng có 2 loại: u nang cơ năng và u nang thực thể.
U nang cơ năng là những khối u phát sinh do rối loạn hoạt động nội tiết của buồng trứng. Chúng chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định rồi biến mất.
Bao gồm: Nang bọc noãn (nang noãn đã phát triển và trưởng thành (chín) nhưng không phóng noãn (rụng trứng) được), Nang hoàng thể (hoàng thể không không teo đi mà phát triển mạnh thành một nang mỏng chứa đầy dịch bên trong), Nang hoàng tuyến (Các nang bọc noãn bị kích thích quá mức nên không phóng noãn mà bị hoàng thể hóa, thường gặp trong chửa trứng).
U nang thực thể (do bệnh lý) xuất hiện từ những tổn thương nhu mô bình thường của buồng trứng. Nó tiến triển âm thầm, kéo dài trong nhiều năm, bao gồm: U nang nước, U nang nhầy, U nang bì.
U nang buồng trứng còn có các dạng đặc biệt như: Nang lạc tuyến buồng trứng (lạc nội mạc tử cung), u bì buồng trứng và ung thư buồng trứng.
II. Triệu chứng
Khi chưa có biến chứng, khối u nang buồng trứng thường có các triệu chứng rất mơ hồ, đa số trường hợp chỉ phát hiện được khối u buồng trứng một cách tình cờ khi siêu âm bụng kiểm tra hay khi khám phụ khoa định kỳ.
Các triệu chứng có thể gặp: Sờ thấy khối u trên bụng, Đau bụng dưới hoặc cảm giác đầy bụng, Rối loạn kinh nguyệt, Rối loạn đại tiện hay tiểu tiện, Đau mơ hồ ở vùng thắt lưng và đùi, Đau khi giao hợp, Tăng cân không rõ nguyên nhân, đau nhức vú, buồn nôn, nôn, Đau hoặc ra huyết bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt…
Trường hợp u đã phát triển lâu, kích thước lớn có thể gây chèn ép các tạng xung quanh. U chèn ép bàng quang gây đái rắt, chèn ép trực tràng gây táo bón, đôi khi chèn ép niệu quản gây ứ nước bể thận, thậm chí có những khối u buồng trứng rất lớn chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây tuần hoàn bàng hệ, phù hai chi dưới, cổ trướng.
Việc chẩn đoán u nang buồng trứng chủ yếu là dựa vào các xét nghiệm: chụp X quang ổ bụng, siêu âm phụ khoa, chụp tử cung-vòi trứng, nội soi ổ bụng…
III. Biến chứng
Biến chứng thường gặp của u nang buồng trứng là: vỡ nang, chảy máu nang, xoắn cuống nang. Trong đó, u nang buồng trứng xoắn là biến chứng nguy hiểm nhất. Khi đó, bệnh nhân có các triệu chứng như đau quặn bụng cấp tính, đau thành từng cơn, ngày càng dồn dập, thường kèm nôn ói, có thể dẫn đến mất nước và các chất điện giải hoặc dẫn tới suy thận. Nếu được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, tiên lượng sẽ tốt. Nếu muộn, khối u vỡ hoặc hoại tử, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.
U nang buồng trứng cũng có thể gây vô sinh khi tổ chức buồng trứng bị hủy hoại hoàn toàn, không còn tế bào lành để phát triển thành nang trội. Một số trường hợp bệnh nhân vẫn có thai nhưng do buồng trứng bị bệnh nên hoàng thể phát triển không tốt, gây sẩy thai. Mặt khác, u nang buồng trứng sẽ cản trở thai nhi bình chỉnh trong tử cung.
Thai nghén cũng ảnh hưởng không tốt đến u nang buồng trứng vì khi có thai, tử cung lớn dần đã đẩy khối u từ tiểu khung vào trong ổ bụng, rất nguy hiểm, có thể gây sẩy thai, hoặc đẻ non.
III. Điều trị Tây y
Trong trường hợp khối u nang quá lớn, xâm lấn toàn bộ cả hai bên buồng trứng phải phẫu thuật cắt bỏ cả 2 bên thì không còn khả năng sinh con bình thường.
Trường hợp phát hiện sớm thì tùy theo kích thước và tính chất khối u cũng như nguyện vọng sinh đẻ của bệnh nhân có thể phẫu thuật triệt để cắt bỏ toàn bộ khối u và buồng trứng bên bệnh hay chỉ bóc tách khối u để lại phần buồng trứng lành, mặc dù bóc tách khối u có thể làm tăng nguy cơ tái phát U nang buồng trứng.
(Theo Lương y Nguyễn Hữu Toàn)