Theo thống kê, cứ 10 phụ nữ trong độ tuổi sinh nở thì có 1 người bị lạc nội mạc tử cung (LNMTC), đây là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng vô sinh ở phụ nữ gia tăng.
Bệnh lý này rất khó điều trị, nhất là khi hầu hết bệnh nhân được phát hiện muộn.
Giảm gần 50% cơ hội có con
Tại BV Phụ sản Trung ương, số bệnh nhân đến khám phụ khoa được phát hiện bị LNMTC chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó có khá nhiều bệnh nhân nữ còn rất trẻ, chưa chồng, chưa mang thai lần nào cũng mắc bệnh. Bác sĩ Đặng Quang Hùng, Khoa Cấp cứu cho biết, theo nghiên cứu của BV, 7 – 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc bệnh LNMTC với các mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh này thường tiến triển âm thầm, có thể kéo dài trong nhiều năm nên rất ít bệnh nhân tự phát hiện được triệu chứng sớm và đa phần đi khám muộn hay được phát hiện do đi khám các bệnh lý khoa khác.
Tuy vậy, tại hoa mỗi tháng cũng tiếp nhận vài trường hợp LNMTC vào cấp cứu trong tình trạng rất nặng. Mới đây nhất là trường hợp một bệnh nhân 25 tuổi, chưa chồng, vào viện vì đau bụng dữ dội trong kỳ hành kinh, biểu hiện đặc trưng của bệnh LNMTC rất rõ. Nhiều bệnh nhân khác nhập viện cấp cứu do bệnh tái phát nhiều lần, thậm chí có bệnh nhân sau mổ 6 tháng đã tái phát bệnh, lần sau các mảnh LNMTC còn lớn hơn, nguy hiểm hơn.
TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, khoảng 25-40% phụ nữ vô sinh ở nước ta có liên quan đến LNMTC, bệnh này cũng liên quan đến 70 – 80% số phụ nữ bị đau vùng chậu mãn tính. Là bệnh lý rất phổ biến và nguy hiểm như vậy. LNMTC còn rất khó xử lý, khó điều trị, rất nhiều trường hợp ngay cả khi đã được áp dụng những phương pháp chữa ngoại khoa, nội khoa hiện đại nhất, dùng thuốc đắt tiền nhất nhưng hiệu quả vẫn không như mong đợi. Có những bệnh nhân bị LNMTC vào buồng trứng, rất khó bóc tách khối u mà không ảnh hưởng đến buồng trứng.
Đặc biệt với những trường hợp LNMTC rải rác trong các cơ cung, nếu điều trị triệt để bằng cách cắt bỏ tử cung thì bệnh nhân không còn khả năng có con, còn nếu không cắt bỏ thì nguy cơ tái phát rất cao vì khối u phát triển ở nhiều chỗ khác nhau, rất khó để bóc tách triệt để được. Ngay cả khi giữ lại tử cung, khả năng có con của bệnh nhân cũng không cao, hầu hết phải áp dụng các biện pháp can thiệp như cấy phôi, thụ tinh nhân tạo… song hiệu quả của các can thiệp này cũng rất thấp.
Trên thực tế, cứ 100 phụ nữ phải cắt bỏ tử cung thì có15 – 20 người bị lạc nội mạc trong cơ tử cung. Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây hiếm muộn ở nữ giới.
Cần điều trị sớm
Theo các bác sĩ, LNMTC là tình trạng nội mạc tử cung (lớp lót bên trong tử cung) nằm sai vị trí, có mặt không chỉ ở mặt trong của tử cung mà có thể “di chuyển” sang ổ bụng, thành tử cung, thành ruột… nguyên nhân gây bệnh do hiện tượng hành kinh ngược chiều, máu trào ngược qua vòi tử cung vào ổ bụng. Đôi khi bệnh do nguyên nhân tắc nghẽn bạch mạch hay nghẽn khi di chuyển. Mặc dù khó điều trị song nếu được phát hiện sớm, điều trị sớm khi bệnh còn nhẹ, bệnh nhân bị LNMTC có nhiều cơ hội được chữa khỏi triệt để và có thể sinh con bình thường.
Bác sĩ Đặng Quang Hùng cho biết, để xác định chính xác bệnh nhân mắc bệnh LNMTC hay không thì cần phải có kết quả siêu âm. Tuy vậy, phụ nữ đến độ tuổi sinh đẻ có thể chủ động hơn trong việc phát triển bệnh thông qua các triệu chứng như: đau bụng dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt, đau muộn vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của kỳ kinh, mệt mỏi, buồn nôn, xuất huyết… Bệnh càng lâu ngày thì càng nặng do các đám niêm mạc tử cung bị lạc chỗ mỗi ngày to thêm, nguy cơ vô sinh cũng cao thêm.
Các bác sĩ nhấn mạnh, nếu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có biểu hiện đau dữ dội vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt, lượng kinh thất thường, đau trong sau khi giao hợp, khi đi vệ sinh, kèm theo một số triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn… thì phải nghĩ ngay tới LNMTC và đến các cơ sở y tế chuyên khoa khám sớm để được phát hiện, điều trị kịp thời.
Cũng theo các bác sĩ, bệnh LNMTC có liên quan đến yếu tố di truyền. Những phụ nữ đã có con vẫn có thể mắc bệnh này, do đó mọi phụ nữ đều không được chủ quan./.
(Theo vtv)