Bệnh lý ở vòi trứng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây vô sinh ở chị em, nó chiếm từ 25 -35% trong số vô sinh nữ.
Tổn thương ở vòi trứng rất đa dạng, có thể ở đoạn gần hoặc đoạn xa, và có khi là toàn bộ vòi trứng. Bệnh lý có thể là tạm thời nhưng cũng có khi là vĩnh viễn không hồi phục. Trong những nguyên nhân gây bệnh lý ở vòi trứng thì viêm vùng chậu là thường gặp nhất, chiếm khoảng 50% các trường hợp, và nó có thể gây tổn thương ở nhiều vị trí của vòi trứng – đó là báo cáo của các chuyên gia sinh sản tại hội nghị Khoa học về hỗ trợ sinh sản, do Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh (TP.HCM) tổ chức hôm 26.3.
Thường sau một đợt viêm vùng chậu, thì tỷ lệ vô sinh ở người phụ nữ xảy ra khoảng 11%, và nếu sau hai đợt viêm vùng chậu thì tỷ lệ này tăng lên khoảng 23%, và 54% nếu sau 3 đợt viêm vùng chậu.
Bệnh lý ở đoạn gần vòi trứng, ngoài nguyên nhân do viêm nhiễm vùng chậu còn có thể do dị tật bẩm sinh, mảnh mô vụn trong lòng vòi trứng, viêm túi thừa vòi trứng – túi thừa ở đoạn kẽ hoặc đoạn eo của vòi trứng bị sưng to làm hẹp lòng vòi trứng.
Trong hầu hết các ca bệnh, viêm túi thừa xảy ra ở cả hai vòi trứng gây ra tình trạng vô sinh hay bệnh lý “thai ngoài tử cung”. Polyp vòi trứng cũng có thể gây tắc vòi trứng đoạn gần tạm thời. Còn bệnh lý ở đoạn xa vòi trứng cũng có thể do nhiều yếu tố gây nên như: viêm nhiễm, do dính ở lần mổ trước, người từng triệt sản trước đó…
Chữa trị
Tùy đặc tính và mức độ tổn thương vòi trứng, tuổi tác, mà theo các chuyên gia sẽ có những phương pháp chữa trị thích hợp ở phụ nữ hiếm muộn vô sinh do vòi trứng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, phẫu thuật được xem là phương pháp lựa chọn chính yếu. Trong thực tế cho thấy, phẫu thuật phục hồi vòi trứng cho kết quả tốt, nhất là thực hiện bằng kỹ thuật vi phẫu. Phẫu thuật nội soi cũng cho kết quả tốt, phù hợp với những trường hợp vòi trứng chỉ tổn thương nhẹ (hoặc tổn thương vừa phải) và ở phụ nữ còn trẻ, có dự trữ buồng trứng tốt.
Theo các bác sĩ, với trường hợp tắc đoạn gần vòi trứng, thì phương pháp điều trị có thể là nong vòi trứng (qua cổ tử cung); phẫu thuật tái tạo đoạn kẽ – eo của vòi trứng; và thụ tinh trong ống nghiệm. Khuynh hướng nội soi ổ bụng để thực hiện vi phẫu cũng đang được phát triển. Tuy nhiên, kỹ thuật nội soi vi phẫu tái tạo vòi trứng đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật đã qua huấn luyện kỹ, nắm chuyên môn sâu.
Với trường hợp tắc ở đoạn xa vòi trứng (chiếm phần lớn trong các trường hợp hiếm muộn do vòi trứng), thì ngoài thụ tinh trong ống nghiệm, việc áp dụng phẫu thuật mở thông vòi trứng và tái tạo loa vòi trứng cũng là một lựa chọn của bác sĩ điều trị. Mở thông được áp dụng trong trường hợp dính vòi trứng, áp-xe phần phụ, ứ dịch vòi trứng. Nếu vòi trứng chỉ tổn thương nhẹ thì tỷ lệ có thai sau mở thông vòi trứng là 81%; nếu vòi trứng tổn thương vừa phải thì tỷ lệ có thai sau mở thông khoảng 31%; và tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 16% nếu vòi trứng tổn thương nặng. Còn báo cáo của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho thấy, tỷ lệ có thai sau thực hiện nội soi tái tạo vòi trứng là 28,6%.
(Theo Thanh niên Online)