I. Đại cương
Có đến 20% bệnh nhân điều trị vô sinh có tiền sử phá thai.
Cho đến nay chưa có những nghiên cứu cụ thể về tỉ lệ vô sinh sau nạo phá thai, nhưng thực tế có không ít trường hợp bị vô sinh sau một lần nạo hút thai, nhất là việc nạo hút thai diễn ra ở những nơi không đảm bảo vô trùng. Vì vậy, y học vẫn cho rằng nạo hút thai vẫn có thể gây vô sinh.
Có 3 lý do chính dẫn đến nạo phá thai là: những cặp vợ chồng chưa muốn có con, chưa có điều kiện sinh con và nuôi con; những cặp vợ chồng đã có 1 hoặc 2 con rồi, bị vỡ kế hoạch; đáng chú ý hơn cả là những cô gái chưa chồng, mang thai ngoài ý muốn.
Thủ thuật nạo phá thai để lại nhiều biến chứng, gây hậu quả xấu. Tỉ lệ trung bình của tai biến và biến chứng của nạo hút thai khoảng 2-10%.
II. Các phương pháp nạo phá thai và hậu quả
1. Hút thai
– Áp dụng cho thai từ 6 đến 8 tuần.
– Biến chứng thường gặp là:
+sót rau gây chảy máu, nhiễm khuẩn, băng huyết
+hút ngoài thai, thai vẫn phát triển…
2. Nong nạo:
– Áp dụng với tuổi thai 8-16 tuần
– Bác sĩ nong rộng cổ tử cung rồi đưa vào trong tử cung một dụng cụ giống như cái thìa để lấy ra phôi thai cùng rau thai.
*Biến chứng sớm:
– Choáng do đau: phản ứng đau có thể gây ngưng tim đột ngột và dẫn đến tử vong.
– Thủng tử cung: Từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, đều phải dùng dụng cụ bằng kim loại đưa vào đưa ra (nong rộng cổ tử cung, que kim loại để dò hướng khoang tử cung và đo độ dài khoang tử cung; dùng ống hút bằng kim loại để hút phôi thai và đế cuống rốn, thìa nạo bằng kim loại để nạo sạch khoang tử cung) không tránh khỏi khả năng làm xước tử cung, thậm chí tạo thành lỗ rách ở tử cung. Có khi thông qua lỗ thủng ở tử cung, các dụng cụ có thể gây tổn thương sang cả các cơ quan ở ổ bụng (ruột). Những sẹo thủng do nạo được điều trị bảo tồn có thể là nguyên nhân gây vỡ tử cung khi chuyển dạ về sau
– Chảy máu: Khi tổ chức cuống rốn nằm ở vách tử cung bị ống hút hút ra khỏi vách tử cung, sẽ để lại trên bề mặt rất nhiều mạch máu bị vỡ ra. Thao tác không nhanh sẽ ảnh hưởng đến sự co bóp của tử cung, làm cho các mạch máu không liền lại, mất nhiều máu. Máu có thể chảy ra ngoài hoặc ứ lại trong buồng tử cung, cũng có thể theo lỗ thủng tử cung chảy vào ổ bụng gây nhiễm trùng, shock mất máu
– Nhiễm trùng: do viêm bộ phận sinh dục như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung chưa được chữa khỏi hoặc thủ thuật và dụng cụ không đảm bảo vô trùng. Nguy hiểm hơn nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu có thể gây nhiễm trùng máu làm người nạo, hút thai sau 2-3 ngày sẽ sốt dữ dội, khó thở, mê sảng… Nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
– Sót rau dẫn đến chảy máu (băng huyết) và nhiễm khuẩn.
– Tử vong là nguy cơ lớn nhất của nạo phá thai, thường do: Choáng do đau, choáng do mất máu, do nhiễm khuẩn: viêm màng bụng, nhiễm khuẩn huyết, uốn ván (thường do phá giấu giếm), tác dụng phụ của thuốc giảm đau, gây mê, gây tê, tắc mạch, nhiễm khuẩn và băng huyết không khống chế được. Tử vong do phá thai hợp pháp chiếm 0,0006% tất cả các trường hợp phá thai (khoảng 1 ca tử vong trên 160.000 ca phá thai).
– Tai biến gây tê – gây mê: Trong gây mê có tai biến khoảng 1/2.000 và tử vong là 1/8.000. Nguyên nhân tử vong có thể do không tôn trọng các chống chỉ định của gây mê dẫn đến một phản xạ ngưng tim hoặc một shock dị ứng
* Biến chứng lâu dài:
– Sau khi nạo phá thai, ngoài những đau đớn về thể xác thì họ còn chịu thêm nỗi đau tinh thần, vì không người cha người mẹ nào muốn bỏ đi giọt máu của mình. Họ bị lương tâm cắn dứt, dư luận lên án… tạo nên nỗi ám ảnh tội lỗi không nguôi đối với đứa con vô tội. Nhiều người sau khi phá thai đã khóc lóc, mất ăn mất ngủ, gặp ác mộng, hay thẫn thờ, giật mình… trong một thời gian dài.
– Dính tử cung: xảy ra do thủ thuật thô bạo, nạo vét sâu, hoặc làm đi làm lại nhiều lần gây tổn thương sẹo dính. Dính tử cung cản trở tinh trùng đến gặp trứng và khả năng làm tổ của phôi thai
– Rối loạn kinh nguyệt: Nếu tổn thương dính không nhiều, chỉ có một bộ phận nào đó ở khoang tử cung bị dính, thường chỉ làm giảm lượng kinh nguyệt hoặc gây ra xuất huyết không theo một quy tắc nào. Nếu tổn thương nghiêm trọng, mặt dính ở khoang tử cung rộng, sẽ gây bế kinh lâu dài. Nếu cổ tử cung bị dính, máu hành kinh không ra ngoài được mà chảy ngược vào bụng sẽ gây ra bế kinh lâu dài và đau bụng có tính chất chu kỳ.
– Dính tắc vòi trứng: cản trở tinh trùng gặp trứng hoặc trứng đã thụ thai không về tử cung làm tổ được (thai ngoài tử cung) thường do thủ thuật gây viêm nhiễm. Nhiều trường hợp có dính tắc vòi trứng mà không cắt vòi trứng, khi cấy phôi vào, phôi không thể phát triển bởi dịch và mủ trong đó quá độc
– Sẩy thai hoặc đẻ non: Khi nạo phá thai, miệng cổ tử cung bị dụng cụ nới rộng làm rách, thì sau đó, hễ có thai là sau 12 tuần sẽ kết thúc bằng sẩy thai do cơ vòng cổ tử cung bị tổn thương không đủ sức nâng đỡ thai nhi. Trường hợp này còn được gọi là hở eo cổ tử cung
– Rau tiền đạo: tử cung bị tổn thương, những lần có thai sau, nhau thai bám lạc chỗ. Rau tiền đạo có thể làm tử vong thai nhi trong quá trình chuyển dạ.
– Rau cài răng lược: Khi tử cung bị nạo quá sâu hoặc bị nạo hút nhiều lần, nội mạc tử cung bị tổn thương và teo lại. Đến khi có thai tiếp sau đó, lớp nội mạc không phát triển cho phôi thai làm tổ, phôi thai phải làm tổ sâu vào lớp đáy. Nhau thai có khi ăn sâu vào lớp cơ. Sau khi chuyển dạ đẻ, nhau thai khó bong, tử cùng không co hồi được, đờ tử cung, mẹ có thể bị băng huyết và tử vong.
3. Nội khoa (dùng thuốc):
– Áp dụng với tuổi thai từ 5 đến 7 tuần
– Biến chứng: Thất bại của thuốc phá thai, Sảy thai không hoàn toàn, có thể dẫn đến băng huyết và nhiễm trùng…