Nếu sau một năm có sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng các biện pháp tránh thai mà vẫn không đậu thai có thể coi là vô sinh hay muộn sinh. Bạn nên đi khám!
Nói chung, đối với các phụ nữ càng lớn tuổi càng nên lưu ý sớm hơn. Sau 35 tuổi nếu đã xây dựng gia đình trên nửa năm vẫn không thấy gì, bạn đừng nên chậm trễ việc thăm khám.
Vô sinh chia làm 2 loại: nguyên phát và thứ phát
Trường hợp thứ nhất: người phụ nữ hoàn toàn không thụ thai
Trường hợp thứ hai: người phụ nữ đã từng có thai (có thể đã sinh, có thể chưa sinh, hoặc đã nạo hay sẩy thai) rồi sau đó vì một lý do nào đó không thể thụ thai được nữa.
Ai có lỗi?
Thống kê cho thấy khoảng 40% những trường hợp vô sinh là do nữ, 45% do nam và 15% là do cả đôi.
Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu, tuổi cũng đã cứng mà vẫn chưa có con, phải làm sao đây?
Đúng ra, người chồng nên đi khám trước vì việc xác định chức năng, hoạt động của tinh trùng dễ, rẻ và đặc biệt là nhanh hơn việc xác định vô sinh ở người phụ nữ.
Nếu như người chồng không có vấn đề gì, nguyên nhân không đậu thai có thể là do vợ chồng không hợp. Có thể kiểm tra bằng cách thử máu. Nếu 2 nguyên nhân trên không phải có nghĩa là người nữ bị chứng vô sinh.
Đôi khi việc xác định nguyên nhân vô sinh cũng mất đến vài tháng và để chữa trị còn cần nhiều thời gian hơn nữa.
Phụ nữ bị vô sinh có 3 loại: do rối loạn nội tiết, do rối loạn miễn dịch, do viêm nhiễm…
Vô sinh do viêm nhiễm là trường hợp phổ biến nhất. 70% trường hợp vô sinh ở phụ nữ là do rối loạn hoạt động buồng trứng, không đủ hormone để thụ tinh và phát triển thai.
Nguyên nhân chính của việc rối loạn nội tiết thường là do bị viêm nhiễm hệ niệu sinh dục, như bệnh Chlamidia chẳng hạn, gây thay đổi nội mạc tử cung tạo các vết dính và làm tắc ống sinh dục.
Có khi viêm nhiễm từ mẹ truyền sang cho con gái ngay từ khi thai nghén và bé gái đó mang mầm bệnh suốt đời.
Khi đi khám chắc chắn phải lấy mẫu bệnh phẩm để xác định chủng virut, vi khuẩn gây bệnh, sau đó phải kiểm tra toàn bộ trạng thái của ống dẫn trứng, vòi trứng, tử cung.
Khi đã xác định được đúng chủng gây viêm bác sĩ chuyên khoa có thể dùng kháng sinh và thuốc chống viêm để điều trị cho cả hai vợ chồng. Ngoài ra có thể áp dụng thêm vật lý trị liệu làm giảm viêm. Kết quả có thể đạt từ 50 đến 80%.
Vô sinh do rối loạn nội tiết: Rối loạn các hormone sinh dục dẫn đến rối loạn sự phóng noãn. Thiếu hormone progesterrone làm cho các tế bào trứng đã được thụ tinh bị chết… Điều trị phải mất từ 3-5 tháng.
Vô sinh do miễn dịch: Ở một số phụ nữ trong dịch đường sinh dục hoặc trong máu chứa rất nhiều kháng thể với tinh trùng của chồng nên không thể thụ thai được.
Việc điều trị có thể tiến hành bằng cách lọc máu để loại những kháng thể đó.
Ngày nay với những phương tiện chẩn đoán hiện đại, những kỹ thuật tiên tiến, bệnh “vô sinh” hoàn toàn có thể khắc phục được, nếu như bạn đi khám và điều trị không quá muộn
(Theo Vietbao.vn)