Là ngày 288 – 294 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối, trong tuần này bác sĩ sẽ quyết định cho mẹ sinh bé ngay cả khi mẹ không tự chuyển dạ. Do đó bạn cần thăm khám thường xuyên hơn nữa có thể 2- 3 ngày/ lần.
Đã đến lúc bé phải dứt khoát từ giã không gian ấm áp nhưng đã chật chội trong bụng mẹ để cất tiếng khóc chào đời. Em bé giờ dài hơn 51cm một chút và vẫn tiếp tục lớn lên, có thể đã nặng gần 3.6kg. Vì sự an toàn của bé, bác sĩ sẽ nói chuyện với mẹ về việc kích thích chuyển dạ nếu trong tuần sau bé vẫn chưa chịu ra đời hoặc sớm hơn nếu có bất cứ vấn đề nào khác. Hầu hết các bác sĩ đều sẽ không để mẹ chờ đến hơn 2 tuần sau ngày dự sinh, vì như thế sẽ khiến cho cả mẹ và con đều tăng nguy cơ gặp biến chứng. Khoảng 5-6% phụ nữ mang thai kéo dài hơn 3 tuần trở lên so với ngày dự sinh. Trẻ sinh ra ở tuần 42 hoặc sau đó có thể bị da khô như giấy, và thường thừa cân. Chờ đợi lâu hơn cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng trong tử cung, gây nguy hiểm cho bé hoặc gây thai chết lưu. Thêm nữa, khi việc sinh nở kéo dài hoặc bị đình trệ lại, cả mẹ và bé đều có nguy cơ bị chấn thương trong quá trình sinh, và khi đó bắt buộc phải dùng cách mổ lấy thai.Bạn cũng nên theo dõi cơ thể mình để nhận biết các dấu hiệu sẽ chuyển dạ như:
- Đột nhiên đau lưng ghê gớm do lúc này em bé đã khá nặng và tụt xuống dưới sẽ tạo áp lực cho lưng và kéo dãn dây chằng ở tử cung, xương chậu khiến mẹ bầu đau nhức.
- Những cơn co thắt mạnh ở tử cung (dạ con) trong giai đoạn cuối thai kỳ thì đó có thể là dấu hiệu bạn chuẩn bị lâm bồn. Đây là dấu hiệu bạn nên đặc biệt quan tâm vì có thể bé đã muốn ra đời.
- Âm đạo tiết nhiều dịch như lòng trắng trứng hoặc dịch lẫn máu hồng còn được gọi là “máu báo”.
- Vỡ nước ối. Chắc hẳn có nhiều người nhầm tưởng rằng một khi vỡ ối là bé sẽ chào đời liền ngay sau đó. Thực tế, chỉ có một số ít những thai phụ sinh con ngay sau khi vỡ ối, còn phần đông những phụ nữ khác thường mất tới vài giờ mới thực sự lâm bồn. Nên bạn hãy bình tĩnh chuẩn bị các vật dụng cần thiết trong quá trình sinh đẻ tránh việc quá vội vàng mà quên mang theo chúng.
Để quá trình sinh đẻ được thuận lợi bạn nên:
Ăn uống no trước khi vào viện
Khi sinh nở tiêu hao rất nhiều thể lực, vì vậy trước khi sinh nhất định phải ăn no, ăn ngon. Lúc này gia đình nên nghĩ cách cho bà bầu ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng và dễ tiêu hóa, không nên để bụng đói mà vào phòng sinh.
Tránh bị mệt mỏi quá độ về tinh thần và thể lực
Đến kỳ sinh nở, nên giảm bớt hoạt động, giảm thấp cường độ làm việc, đặc biệt cần nghỉ ngơi tốt, ngủ đầy đủ. Chỉ có như vậy mới chuẩn bị đủ sức khỏe thể chất và tinh thần cho việc sinh nở.
Đừng quá vội vàng trông chờ ngày sinh
Rất nhiều bà bầu khi chưa đến ngày sinh nở lại lo lắng vội vàng chờ sinh nở từng ngày, đến ngày sinh nở lại ăn không ngon ngủ không yên. Họ không hiểu thời kỳ chờ sinh có một phạm vi hoạt động, trước 10 ngày hoặc sau 10 ngày đều là hiện tượng bình thường.
Đừng quá lo lắng căng thẳng
Nhiều bà bầu thiếu kiến thức nên có tâm lý sợ sệt quá mức cần thiết về chuyện sinh nở. Tâm lý này không chỉ ảnh hưởng đến việc ăn uống và giấc ngủ của bà bầu trước khi sinh, mà còn ngăn trở khả năng toàn thân ứng phó, làm cho cơ thể không thể nhanh chóng bước vào trạng thái tốt nhất chờ sinh, vì vậy ảnh hưởng đến việc sinh nở bình thường. Trong điều kiện y học hiện đại, chỉ cần kiểm tra kỹ trước khi sinh, tính an toàn của ca sinh nở gần như được đảm bảo 100%.
Nửa tháng trước khi sinh không nên đi xa
Trước khi sinh nở nửa tháng không nên đi xa nhà, đặc biệt là ngồi xe tàu, bởi các điều kiện đều bị hạn chế trên đường đi, nếu sinh ngoài dự kiến mà lại gặp ca khó khăn thì có thể sẽ nguy hại đến sự an toàn và tính mạng của hai mẹ con.
Đừng qua loa, đại khái
Một số bà bầu tính tình “phóng khoáng”, đến kỳ cuối sinh nở vẫn cho rằng sinh nở là việc tự nhiên, có gia đình, bác sỹ nên an nhiên “thư giãn”. Kết quả trước khi sinh thường chuẩn bị không đủ, chân tay vội vàng, như vậy rất dễ gây ra lỗi lầm.