Dính buồng tử cung là một nguyên nhân gây vô sinh ở nữ.
Từ ngoài vào trong tử cung có 3 lớp: lớp thanh mạc, lớp cơ và lớp nội mạc. Nội mạc tử cung chia thành hai lớp, lớp đáy ở dưới và lớp chức năng ở trên. Lớp chức năng là lớp bị bong ra mỗi lần hành kinh, còn lớp đáy chịu trách nhiệm tái tạo lại lớp niêm mạc đã mất đi.
Dính buồng tử cung là tình trạng thành tử cung phía trước và phía sau dính vào nhau do lớp đáy của nội mạc tử cung bị tổn thương sâu, qua đó cản trở việc tái tạo nội mạc tử cung và ảnh hưởng đến khả năng làm thụ thai, làm tổ của trứng, là nguyên nhân gây vô sinh ở nữ.
II. Nguyên nhân
Dính buồng tử cung là một tai biến thường gặp sau nạo hút thai, nạo hút nhau bị sót sau đẻ hoặc sẩy thai. Khi tiến hành các thủ thuật nạo hút (thai hoặc nhau bị sót sau sinh), các bác sỹ thường cố gắng làm thật sạch bên trong, nhưng lại không thể nhìn thấy được, nên có thể khiến niêm mạc tử cung tổn thương đến lớp đáy.
Buồng tử cung vốn là một khoang ảo, thành ở phía trước và phía sau rất gần nhau, khi không còn lớp đáy lẫn lớp trên làm đệm ở giữa thì hai thành cơ tử cung bị áp sát và dính vào nhau.
Ngoài nguyên nhân dính buồng tử cung do biến chứng của hút nạo thai, bệnh còn xảy ra sau nhiễm trùng như lao nội mạc tử cung hay viêm nhiễm vùng kín.
III. Triệu chứng
Bản chất của hành kinh là việc bong các lớp niêm mạc tử cung. Khi buồng tử cung bị dính lại, sẽ không có chỗ cho lớp niêm mạc chức năng mọc nên sẽ có rất ít kinh hoặc không có kinh tùy thuộc vào mức độ (toàn phần hoặc bán phần), vị trí dính, nguyên nhân gây dính buồng tử cung.
Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn thấy cơ thể có những triệu chứng báo hiệu ngày hành kinh như tức ngực, người mệt mỏi, khó chịu, đau lưng…
Đau bụng ở bệnh nhân có thể do viêm nhiễm kèm theo hoặc do máu kinh không thoát ra được.
Sau một số ngày hành kinh, máu trong tử cung không chảy nữa (sạch kinh), lượng nước trong máu kinh giảm đi, máu kinh được cô đặc lại thì người bệnh hết đau bụng nhưng đến tháng sau các triệu chứng đó lại lặp lại và càng về sau càng nặng nề hơn.
Chẩn đoán dính tử cung chắc chắn hơn cả chụp X quang tử cung vòi trứng. Nếu dính tử cung kèm theo ứ đọng máu kinh bên trong có thể phát hiện qua siêu âm phát hiện nội mạc mỏng hoặc ứ dịch lòng tử cung. Chẩn đoán chính xác là nội soi buồng tử cung, có hình ảnh dày dính.
IV. Tiến triển và biến chứng
Dính buồng tử cung không sảy ra tức thì sau khi nạo phá thai mà diến biến từ từ, có thể không biếu hiện chứng gì ngoài kinh ít hoặc vô kinh.
Không còn lớp đáy để tạo thành lớp chức năng. Khi không còn lớp chức năng, niêm mạc tử cung không thể dày lên được để chuẩn bị cho phôi thai làm tổ nên người bệnh rất khó có thai hoặc thai không phát triển.
Có khoảng 15% trường hợp thai tự sảy do không thể bám được vào tử cung. Nếu dính nặng, khả năng có thai thấp hơn và tỉ lệ sảy thai cao hơn nhiều. Có đến 68% phụ nữ hiếm muộn thứ phát khi nạo phá thai từ 2 lần trở lên
V. Điều trị Tây y
Dính buồng tử cung có thể được điều trị bằng phẫu thuật, tách phần bị dính để tái tạo buồng tử cung. Sau khi tách, đặt vào buồng tử cung một vật ngăn cách (thường là vòng tránh thai) để không cho hai mặt tử cung áp vào nhau, gây dính trở lại. Đồng thời dùng thuốc nội tiết giúp niêm mạc mọc dày lại. Sau một thời gian, niêm mạc tử cung từ những nơi không dính sẽ lan ra, phủ kín mặt trong tử cung.
Như vậy, kết quả điều trị phụ thuộc vào diện tích tử cung bị dính. Diện tích này càng nhỏ thì việc điều trị càng có kết quả. Nhưng đa số trường hợp vẫn bị dính trở lại sau khi bỏ dụng cụ tử cung.
Với những trường hợp khác, do bị viêm nhiễm hay lao sinh dục, sẽ phải chữa triệt để các bệnh này trước, sau đó mới dùng các biện pháp tách tử cung ra.
(Theo Lương y Nguyễn Hữu Toàn)